Đề xuất xã hội hoá đảm bảo ATGT lối đi tự quản mở qua đường sắt: Có khả thi?
VHO- Cho dù đã có nhiều cảnh báo, tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng tại các vị trí giao cắt, đặc biệt là tại đường ngang biển báo, lối đi tự mở, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
Hiện trường vụ tai nạn tại Bình Thuận (31.7) Ảnh: QUẾ HÀ
Trước thực trạng này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất nghiên cứu, phát động xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt nhằm kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng.
Liên tiếp TNGT đường sắt
Theo VNR, chỉ tính riêng trong tháng 7.2019 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ TNGT đường sắt, tăng 12,5%, làm chết 17 người, tăng 21,4% và làm bị thương 23 người, tăng 76,9%. Điển hình là ngày 3.7, tại lối đi tự mở thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tàu MR1 đã va vào xe ô tô 4 chỗ vượt qua đường sắt làm 3 người bị thương, ô tô bị hỏng nặng. Ngay sau đó chỉ một ngày, tại Tam Điệp (Ninh Bình) tàu SE3 đã va chạm với 2 người đi xe máy vượt qua đường sắt làm 1 người bị chết, 1 người bị thương, xe máy bị hỏng...
Đặc biệt, ngày 31.7, vào lúc 08h42’ tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận), tàu SE27 đã va vào xe ô tô 16 chỗ làm 4 người chết. Cũng trong ngày 31.7, tại km 437+760 thuộc khu gian Ngọc Lâm - Đồng Lê đoạn qua Tiểu khu Tân Lập (thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 1 người tử vong. Qua clip ghi lại, người phụ nữ này đi qua đoạn đường giao với đường sắt có gác chắn tự động và đã cố tình vượt qua mặc dù gác chắn đã được hạ xuống. Lúc này đoàn tàu SE6 chạy hướng Sài Gòn - Hà Nội lao tới tông trực diện, kéo lê cả người và xe khiến chị H. tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng.
Theo VNR, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm 78%; còn lại là đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Một số địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt gồm: Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10 vụ); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ); Thừa Thiên Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ); Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (5 vụ)...
Làm gì để hạn chế tai nạn?
Lãnh đạo VNR cho biết, nhằm hạn chế tai nạn tại các vị trí đường ngang biển báo và lối đi tự mở, trong thời gian qua, VNR đã bố trí lao động (đoàn viên thanh niên tình nguyện) trực cảnh giới tại 44 đường ngang có nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt trong đợt cao điểm vận tải hè 2019 (từ ngày 10.6 đến hết ngày 31.7, thời gian cảnh giới hằng ngày từ 06h00 đến 21h00).
Cùng với đó, VNR thông báo rộng rãi lịch trình chạy tàu thường xuyên cũng như vào các dịp cao điểm đến Ban An toàn giao thông các tỉnh để chủ động trong thực hiện đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm cảnh giới do địa phương đảm nhận… Đồng thời, VNR đang lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang km167+980 tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa phận thị trấn Tào Xuyên (Thanh Hóa). Theo đó, tại các góc đường ngang sẽ lắp các radar gồm radar phát hiện chướng ngại tĩnh và radar phát hiện chướng ngại động. Qua radar phát hiện có chướng ngại tại đường ngang khi cần chắn đã đóng hoàn toàn, hệ thống sẽ cảnh báo còi và đèn trên đài thao tác để nhắc nhở nhân viên gác chắn kịp thời xác nhận xử lý và chuẩn bị khẩn cấp, đồng thời hai cần chắn hai phía đường ngang nâng lên rồi hạ xuống cho chướng ngại vật ra khỏi phạm vi đường ngang.
Trong trường hợp nhân viên gác chắn không ấn nút “xác nhận chướng ngại” để xác nhận xử lý bằng nhân công, thì hệ thống sẽ tự động cho rằng chướng ngại có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu, từ đó lập tức tự động bật tín hiệu ngăn đường ngăn không cho tàu vào đường ngang. Khi tín hiệu ngăn đường được bật với tín hiệu đỏ, lái tàu sẽ quan sát, nhận biết để thao tác hãm, dừng tàu kịp thời. Theo đánh giá ban đầu, hệ thống này đã phát huy được hiệu quả. Hiện hệ thống vẫn đang trong quá trình giám sát, theo dõi, đánh giá để hiệu chỉnh, dự kiến hoàn thành, nghiệm thu đề tài vào tháng 11 năm nay, sau đó sẽ trình và đề nghị Bộ GTVT cho áp dụng trên đường sắt Việt Nam để tăng độ an toàn tại các giao cắt đường bộ - đường sắt.
Bên cạnh một số biện pháp trên, đại diện VNR cho biết đã đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó có hành vi: Mở lại lối đi tự mở đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống, dàn chắn, cần chắn đã đóng (gây hư hỏng cần chắn tự động, cần chắn, dàn chắn tại các đường ngang),... không giảm tốc độ trước khi qua giao cắt giữa đường bộ - đường sắt...
Đặc biệt, VNR đề xuất nghiên cứu, phát động xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt nhằm kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt. “Cùng với đó, VNR cũng đã phát đi thông điệp: Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội gửi tới những người dân, người tham gia giao thông nhằm góp phần làm giảm những vụ tai nạn giao thông đau lòng do những hành vi cố ý vi phạm hành lang an toàn đường sắt”, đại diện VNR cho biết thêm.
HOÀNG ANH